10 lập trình viên nổi tiếng giỏi nhất thế giới

20/09/2024 17:56
Lập trình viên
Alan Turing đã từng nói rằng "Máy tính cực kỳ nhanh, chính xác - và ngu ngốc. Con người thì chậm, không chính xác - nhưng thông minh. Cùng nhau, họ mạnh mẽ vượt ngoài sức tưởng tượng."

Mục lục

Từ khi chiếc máy tính đầu tiên được ra đời vào năm 1946, loài người chúng ta đã có thêm một nguồn sức mạnh mới. Những người đã và đang thúc đẩy sức mạnh lớn lao này vào cuộc sống hằng ngày không ai khác chính là các lập trình viên. Câu hỏi được đặt ra là liệu trong số hàng triệu lập trình viên, những ai được coi là tài giỏi nhất, có đóng góp sâu sắc nhất cho nhân loại?

Việc xác định ai là lập trình viên giỏi nhất thế giới là một điều khá khó khăn, bởi vì có rất nhiều yếu tố cần được xem xét, từ những đóng góp cho cộng đồng mã nguồn mở đến những sản phẩm phần mềm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, dựa trên những đóng góp nổi bật và ảnh hưởng sâu rộng, chúng ta có thể điểm qua 10 lập trình viên nổi tiếng giỏi nhất thế giới mà TechWorks liệt kê dưới đây:

Dennis Ritchie - Cha đẻ của ngôn ngữ C và hệ điều hành Unix

Dennis Ritchie - Cha đẻ của ngôn ngữ C và hệ điều hành Unix

Dennis Ritchie (1941-2011) là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính. Dù ông không nổi tiếng với công chúng như những tên tuổi như Steve Jobs hay Bill Gates, nhưng thành tựu của ông đã âm thầm định hình và cách mạng hóa thế giới công nghệ mà chúng ta biết ngày nay.

Dennis Ritchie được biết đến nhờ những đóng góp quan trọng trong việc phát triển hệ điều hành UNIX và ngôn ngữ lập trình C, hai công nghệ đã định hình cách các hệ điều hành và phần mềm hiện đại hoạt động. Chúng ta có thể điểm qua những cái tên nổi bật chịu ảnh hưởng sâu sắc từ công trình của ông bao gồm: Linux, macOS, và Android. 

Ngôn ngữ C giúp lập trình viên viết phần mềm hiệu quả hơn trên nhiều hệ thống phần cứng khác nhau, nhờ tính linh hoạt và mạnh mẽ của nó. Ngôn ngữ này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các hệ thống nhúng và các hệ điều hành, đồng thời là công cụ chính trong lập trình hệ thống.

Không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ lập trình, Dennis Ritchie còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ điều hành UNIX cùng hợp tác với đồng nghiệp Ken Thompson. UNIX ra đời vào cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970 tại Bell Labs. Sự xuất hiện của nó đã cách mạng hóa lĩnh vực hệ điều hành. Ngoài ra, UNIX còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Internet và công nghệ mạng.

Bjarne Stroustrup - Nhà phát triển ngôn ngữ lập trình C++

Bjarne Stroustrup - Nhà phát triển ngôn ngữ lập trình C++

Bjarne Stroustrup (sinh ngày 30 tháng 12 năm 1950) là một nhà khoa học máy tính người Đan Mạch. Ông chính là cha đẻ của ngôn ngữ lập trình C++. C++ là một trong những ngôn ngữ lập trình mạnh mẽ và phổ biến nhất trên thế giới, có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển hệ điều hành, phần mềm nhúng, trò chơi điện tử và cả các ứng dụng tài chính.

Ngôn ngữ lập trình C++ được phát triển lần đầu vào năm 1979 khi Stroustrup cảm thấy ngôn ngữ C không đáp ứng được tất cả các yêu cầu cần thiết cho các dự án phức tạp, đặc biệt là các hệ thống lớn. Mục tiêu của ông là tạo ra một ngôn ngữ có thể thực hiện lập trình hệ thống hiệu quả như C nhưng cũng có hỗ trợ lập trình hướng đối tượng

Ngôn ngữ C++ đã nhanh chóng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ tính linh hoạt, hiệu suất cao, và khả năng mở rộng, C++ là lựa chọn lý tưởng cho nhiều dự án lớn. Ngôn ngữ này cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngôn ngữ lập trình sau này như Java và C#.

James Gosling - Người tạo ra ngôn ngữ Java

James Gosling - Người tạo ra ngôn ngữ Java

James Gosling (sinh ngày 19 tháng 5 năm 1955) là người khởi xướng và dẫn dắt dự án phát triển ngôn ngữ Java. Java được thiết kế với mục tiêu "viết một lần, chạy mọi nơi" (write once, run anywhere), tức là mã nguồn Java có thể biên dịch và chạy trên nhiều nền tảng khác nhau mà không cần sửa đổi. Đây là một bước tiến lớn trong lập trình, các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng có thể chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau, bao gồm Windows, macOS, và Linux, cũng như các thiết bị di động và nhúng.

Hơn nữa, Java được thiết kế dễ học, dễ sử dụng, với cú pháp giống như ngôn ngữ lập trình C và C++, nhưng bổ sung các tính năng bảo mật và quản lý bộ nhớ tự động, nhằm giảm thiểu các lỗi lập trình phổ biến. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Sun Microsystems và sau này là Oracle (sau khi mua lại Sun), Java trở thành ngôn ngữ chính trong các ứng dụng web, hệ thống doanh nghiệp và công nghệ di động.

Sau khi Sun Microsystems bị Oracle mua lại vào năm 2010, James Gosling rời khỏi công ty và đã làm việc cho một số công ty công nghệ khác, bao gồm GoogleAmazon Web Services. Ông tham gia vào các dự án liên quan đến hệ thống nhúng và robot, đồng thời vẫn giữ vai trò cố vấn và diễn giả tại nhiều sự kiện công nghệ.

Linus Torvalds - Tác giả hệ điều hành Linux

Linus Torvalds - Tác giả hệ điều hành Linux

Vào năm 1991, khi mới 21 tuổi, Linus Torvalds bắt đầu một dự án mới lạ mang tên Linux - một dự án phần mềm mã nguồn mở. Ban đầu, Linux chỉ là một kernel (nhân hệ điều hành) nhỏ, Linus Torvalds đã công bố mã nguồn trên Internet để các lập trình viên khác có thể tham gia đóng góp và phát triển. Dần dần, nhờ sự đóng góp của cộng đồng lập trình viên đến từ khắp nơi trên toàn thế giới, Linux đã trở thành một hệ điều hành hoàn chỉnh, mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Linux khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh do đặc tính mã nguồn mở, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể xem, chỉnh sửa và phân phối lại mã nguồn của nó. Linux trở thành cái tên khó có thể thay thế trong các hệ thống máy chủ, siêu máy tính, cũng như các thiết bị nhúng. Android, hệ điều hành phổ biến nhất cho điện thoại thông minh, cũng được phát triển dựa trên nhân Linux.

Năm 2005, Linus Torvalds phát triển Git, một hệ thống quản lý mã nguồn phân tán, để hỗ trợ cho quá trình phát triển Linux và các dự án phần mềm lớn. Git đã trở thành một công cụ phổ biến trong ngành phần mềm, được sử dụng để quản lý các phiên bản mã nguồn và theo dõi sự thay đổi trong các dự án lập trình. 

Linux và Git đều có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong ngành công nghệ. Linux hiện là nền tảng của hơn 90% các siêu máy tính trên thế giới và là lựa chọn phổ biến cho các máy chủ web, hệ thống doanh nghiệp, và các thiết bị nhúng. Nhờ vào cộng đồng mã nguồn mở kết hợp với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ lớn, Linux ngày càng phát triển mạnh mẽ. Git cũng trở thành công cụ tiêu chuẩn cho các dự án phát triển phần mềm, với mục tiêu quản lý mã nguồn một cách hiệu quả và tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các lập trình viên trên toàn cầu.

Anders Hejlsberg - Nhà sáng tạo ngôn ngữ lập trình C#

Anders Hejlsberg - Nhà sáng tạo ngôn ngữ lập trình C#

Không chỉ đóng vai trò chính trong việc phát triển C#, Anders Hejlsberg còn sáng tạo ra ngôn ngữ Turbo Pascal và tham gia dự án TypeScript.

Câu chuyện bắt đầu từ khi còn Anders Hejlsberg đang đi học, ông đã lên ý tưởng một trình biên dịch cho ngôn ngữ Pascal, được biết đến với tên Blue Label Pascal. Sau đó, sản phẩm này đã trở thành nền tảng cho Turbo Pascal, một trong những trình biên dịch phổ biến nhất trong thập niên 1980.

Năm 1996, Hejlsberg gia nhập Microsoft. Tại đây, ông tiếp tục đóng góp vào những dự án quan trọng và trở thành kiến trúc sư chính trong việc phát triển ngôn ngữ C#.

C# (ra đời vào năm 2000) là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được thiết kế để hoạt động trong nền tảng .NET Framework của Microsoft. C# kết hợp các tính năng của nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm C++ và Java, nhưng hơn hết, nó mang đến sự tiện lợi, mạnh mẽ cho các nhà phát triển. 

Bên cạnh C#, một trong những dự án quan trọng khác mang đậm dấu ấn của Hejlsberg tại Microsoft là TypeScript - một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở dựa trên JavaScript. TypeScript với mục tiêu mở rộng JavaScript bằng cách thêm hệ thống kiểu tĩnh, nhờ đó các lập trình viên dễ dàng phát hiện lỗi và duy trì mã nguồn trong các dự án lớn.

Tim Berners - Lee - Cha đẻ của World Wide Web

Tim Berners - Lee - Cha đẻ của World Wide Web

Sir Timothy John "Tim" Berners-Lee, hay tên gọi quen thuộc hơn là TimBL - ông chính là nhà khoa học máy tính người Anh đã phát minh ra World Wide Web (WWW). Để hiểu hơn về vị trí của TimBL trong giới công nghệ, chúng ta cần hiểu rằng Internet là mạng lưới các mạng máy tính trên toàn cầu, trong khi World Wide Web là một dịch vụ chạy trên Internet, cung cấp giao diện đồ họa và các tài liệu siêu văn bản. World Wide Web (WWW) chính là chìa khoá để chúng ta truy cập và chia sẻ thông tin trên Internet. 

Trong thời gian làm việc tại CERN (Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu) vào cuối những năm 1980, Tim Berners đã đề xuất và phát triển hệ thống quản lý thông tin toàn cầu, từ đó tạo ra web như chúng ta biết ngày nay.

Berners-Lee đã tạo ra ba thành phần cốt lõi của web: HTML (Hypertext Markup Language) - ngôn ngữ dùng để xây dựng các trang web; HTTP (Hypertext Transfer Protocol) - giao thức cho phép truyền tải dữ liệu trên web; và URL (Uniform Resource Locator) - hệ thống địa chỉ xác định vị trí của các tài nguyên trực tuyến. Năm 1990, ông xây dựng trang web đầu tiên tại CERN, nhờ vào nó, các nhà khoa học có thể chia sẻ tài liệu dễ dàng hơn. Trang web đầu tiên này có tên là info.cern.ch và vẫn còn tồn tại đến ngày nay như một di sản lịch sử của giới công nghệ.

Năm 1994, Tim Berners-Lee thành lập World Wide Web Consortium (W3C) tại MIT. Ông luôn luôn ủng hộ việc giữ cho web miễn phí và mở cửa cho mọi người, phản đối các hành vi kiểm soát độc quyền hay thương mại hóa quá mức. Với tầm nhìn rộng mở, web đã trở thành một nền tảng công bằng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người trên toàn thế giới.

Hiện tại, Tim Berners-Lee vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên internet. Ông đang lãnh đạo dự án Solid - một nền tảng cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ thay vì giao toàn bộ quyền này cho các công ty công nghệ lớn. Có thể thấy, ông vẫn đang tiếp tục duy trì tầm nhìn về một web mở và tự do cho tất cả nhân loại.

Guido van Rossum - Tạo ra ngôn ngữ lập trình Python

Guido van Rossum - Tạo ra ngôn ngữ lập trình Python

Guido van Rossum chính là "nhà độc tài nhân từ suốt đời" (Benevolent Dictator For Life - BDFL) của Python cho đến năm 2018.

Ông sinh ngày 31 tháng 1 năm 1956 tại Hà Lan và bắt đầu nhào nặn ra ngôn ngữ lập trình Python vào cuối thập niên 1980 khi đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Toán học và Tin học (CWI) ở Amsterdam. Python chính thức ra mắt vào năm 1991 với đầy đủ các đặc tính của một ngôn ngữ dễ học, dễ sử dụng và dễ đọc hơn các ngôn ngữ khác.

Triết lý lập trình của Guido van Rossum thể hiện rõ qua thiết kế của Python: "đơn giản tốt hơn phức tạp". Ông tin rằng mã nguồn của phần mềm nên dễ đọc và dễ bảo trì, và Python được tạo ra với cú pháp rõ ràng, dễ hiểu, rất gần gũi với ngôn ngữ tự nhiên. Nhờ vào sự đơn giản này, Python đã trở thành ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phát triển web, và tự động hóa hệ thống.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Guido van Rossum đã làm việc tại nhiều công ty lớn trong ngành công nghệ. Ông từng làm việc tại Google từ năm 2005 đến 2012, chính nơi đây, ông đã tham gia vào các dự án lớn và tiếp tục phát triển Python. Sau đó, ông gia nhập Dropbox vào năm 2013 và làm việc ở đây cho đến năm 2019. Vào năm 2020, Guido tiếp tục sự nghiệp của mình tại Microsoft với vai trò Kỹ sư Xuất sắc (Distinguished Engineer), để tiếp tục bền bỉ đóng góp cho các dự án mã nguồn mở và phát triển Python.

Một trong những đặc điểm đặc biệt của Guido van Rossum là danh hiệu "Benevolent Dictator For Life" (Nhà độc tài nhân từ suốt đời) mà ông được cộng đồng Python trao tặng. Danh hiệu này cho phép ông có quyền quyết định cuối cùng về các thay đổi đối với Python. Tuy nhiên, vào năm 2018, Guido đã từ chức khỏi vai trò này, nhưng ông vẫn nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ từ cộng đồng lập trình viên.

Mark Zuckerberg - Thay đổi cách thế giới kết nối bằng Facebook

Mark Zuckerberg - Thay đổi cách thế giới kết nối bằng Facebook

Mark Zuckerberg sinh ngày 14 tháng 5 năm 1984 tại White Plains, New York, Hoa Kỳ. Zuckerberg là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ cũng như là một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới.

Mark Zuckerberg bắt đầu sự nghiệp lập trình từ khi còn rất nhỏ. Khi học tại trường trung học Phillips Exeter Academy, ông đã tự học nhiều ngôn ngữ lập trình và phát triển một số phần mềm. Ông tạo ra một chương trình có tên là "Synapse" vào năm 2002. Microsoft và AOL đề nghị mua lại và mời ông về làm việc, nhưng Zuckerberg từ chối.

Vào năm 2004, khi đang là sinh viên năm hai tại Đại học Harvard, Zuckerberg cùng với một số bạn học Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin MoskovitzChris Hughes đã tạo ra một mạng xã hội dành cho sinh viên Harvard có tên là "The Facebook". Ý tưởng của Facebook bắt nguồn từ mong muốn kết nối sinh viên trong trường và sau đó mở rộng ra các trường đại học khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Facebook đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến toàn cầu.

Sau khi Facebook đạt được thành công lớn, Zuckerberg quyết định bỏ học Harvard để tập trung toàn bộ thời gian và năng lực phát triển công ty. Dưới sự lãnh đạo của ông, Facebook đã phát triển từ một nền tảng mạng xã hội nhỏ thành một tập đoàn công nghệ lớn có ảnh hưởng toàn cầu, được đổi tên thành Meta Platforms vào năm 2021. Công ty này sở hữu nhiều ứng dụng và dịch vụ nổi tiếng như Instagram, WhatsApp và Oculus VR.

Mark Zuckerberg nổi tiếng với phong cách quản lý đơn giản, hình ảnh chúng ta thường thấy khi ông xuất hiện chính là áo thun xám và quần jeans. Ông cũng là một trong những tỷ phú cam kết về các hoạt động từ thiện. Cùng với vợ, Priscilla Chan, ông thành lập tổ chức từ thiện Chan Zuckerberg Initiative vào năm 2015, với mục tiêu thúc đẩy các dự án về giáo dục, sức khỏe và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Zuckerberg cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức và tranh cãi trong sự nghiệp. Facebook đã bị chỉ trích vì các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, an ninh dữ liệu và vai trò của nó trong việc lan truyền thông tin sai lệch. Zuckerberg đã nhiều lần phải điều trần trước Quốc hội Mỹ và các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề này.

Bill Gates - Gã khổng lồ Microsoft

Bill Gates - Gã khổng lồ Microsoft

William Henry Gates III, hay cái tên quen thuộc hơn - Bill Gates, là một doanh nhân, nhà từ thiện, và tác giả người Mỹ. Ông là người đồng sáng lập cũng như chủ tịch tập đoàn Microsoft - gã khổng lồ trong giới công nghệ. Nếu bạn đặt ra câu hỏi rằng tại sao Bill Gates lại thành công đến vậy? Thì câu trả lời đúng nhất cho vấn đề này chính là tầm nhìn xa trông rộng của ông.

Năm 1975, Bill Gates và Paul Allen thành lập Microsoft (ban đầu gọi là Micro-Soft) với tầm nhìn đưa máy tính cá nhân vào mọi gia đình và văn phòng. Gates đóng vai trò quan trọng để tạo ra hệ điều hành MS-DOS - sản phẩm chủ chốt để dẫn dắt Microsoft đạt được thành công toàn cầu. Sau đó, Microsoft tiếp tục phát triển hệ điều hành Windows - nền tảng phổ biến nhất cho máy tính cá nhân.

Bill Gates giữ vị trí CEO của Microsoft cho đến năm 2000, sau đó tiếp tục đảm nhận vai trò Kiến trúc sư trưởng phần mềm trước khi rút lui khỏi các hoạt động hàng ngày của công ty vào năm 2008 để tập trung vào công tác từ thiện.

Alan Turing - Nhà tiên phong của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI)

Alan Turing - Nhà tiên phong của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI)

Alan Mathison Turing là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh, được xem là một trong những nhà tiên phong của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc phát triển máy tính hiện đại và giải mã mật mã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.   

Năm 1936, Turing công bố một bài báo khoa học mang tính cách mạng với tựa đề "On Computable Numbers, with an Application to the Entscheidungsproblem", trong đó ông giới thiệu khái niệm về Máy Turing. Máy Turing là một mô hình lý thuyết của một thiết bị tính toán có thể thực hiện các bước tính toán dựa trên một tập hợp các quy tắc đã xác định. Khái niệm này là khởi nguồn của khoa học máy tính hiện đại và lý thuyết tính toán. Máy Turing chỉ ra những gì có thể được tính toán bởi một máy móc.

Trong Thế chiến thứ hai, Alan Turing cũng là người xây dựng các phương pháp để phá vỡ mã hóa của máy Enigma – một thiết bị mã hóa phức tạp được Đức Quốc xã sử dụng để bảo mật liên lạc. Turing thiết kế một máy giải mã gọi là Bombe, giải mã Enigma và đóng góp lớn vào việc rút ngắn thời gian chiến tranh, cứu sống hàng triệu người. Công việc này là một trong những bí mật quân sự lớn nhất của Thế chiến thứ hai và chỉ được công khai nhiều năm sau chiến tranh.

Sau chiến tranh, Turing tiếp tục công việc nghiên cứu về toán học và khoa học máy tính. Ông đã tham gia vào việc phát triển một trong những máy tính điện tử đầu tiên ở Anh và đưa ra nhiều ý tưởng tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong một bài báo năm 1950, ông giới thiệu Turing Test – một phương pháp để đánh giá khả năng của một máy móc trong việc thể hiện hành vi thông minh, đây là bài kiểm tra quan trọng trong lĩnh vực AI.

Kết luận

10 lập trình viên nổi tiếng tài giỏi mà chúng ta vừa tìm hiểu đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin. Họ không chỉ là những người viết mã, mà còn là những nhà đổi mới, những người đã định hình nên tương lai của chúng ta.

Bài viết liên quan

JavaFX là gì? - Kiến thức chi tiết từ A - Z về JavaFX
JavaFX là một framework mạnh mẽ để xây dựng các ứng dụng desktop và ứng dụng internet phong phú (RIA) bằng Java. Được thiết kế như một thế hệ kế tiếp của Swing, JavaFX cung cấp một bộ công cụ hiện đại để tạo ra giao diện người dùng trực quan và tương tác.
Sự khác biệt giữa JDK, JRE và JVM trong Java là gì?
Trong số các ngôn ngữ lập trình, Java hiện là ngôn ngữ phổ biến nhất được sử dụng cho các mục đích phát triển. Phần lớn các lập trình viên sử dụng Java để phát triển ứng dụng di động, máy tính để bàn, phát triển game, lập trình back-end, ... Trong quá trình phát triển với Java, JVM, JRE, và JDK đã và đang đóng góp những vai trò vô cùng quan trọng.
JDK là gì? Giới thiệu về Java Development Kit
Khi xây dựng các ứng dụng phần mềm trên Java, JDK có trách nhiệm đẩy nhanh quá trình phát triển và đơn giản hóa dự án. Cùng với JVM (Java Virtual Machine) và JRE (Java Runtime Environment), JDK là một trong những công nghệ cốt lõi được sử dụng trong lập trình Java.
9